Sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc : Hiện tượng "đặc biệt"của làng kịch Việt

VHO- Thu hút những tên tuổi tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nghệ sĩ tài năng của cả nước tham gia vào các tác phẩm; tạo bệ phóng cho nhiều diễn viên trẻ yêu nghề; đưa kịch Việt ra thế giới; dựng từ 4-5 vở mỗi năm ngay cả khi nghệ thuật biểu diễn tê liệt… có thể thấy, hàng loạt những thành tựu đạt được đã khiến Sân khấu Lệ Ngọc trở thành hiện tượng “đặc biệt”, tạo dấu ấn riêng về thương hiệu sân khấu xã hội hóa ở phía Bắc.

Sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc : Hiện tượng

 Vở kịch lịch sử "Làm vua" của Sân khấu Lệ Ngọc

C làng ngh, L Ngc vn làm

Ngay tại thời điểm này, trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gần như tất cả hoạt động sân khấu phải tạm hoãn, Sân khấu Lệ Ngọc vẫn liên tiếp ra mắt các vở diễn mới: Vụ án người đốt đền (kịch bản văn học của Grigori Gorin, đạo diễn, kịch bản sân khấu và thiết kế sân khấu Lê Quý Dương); Làm vua (tác giả Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn Lê Quý Dương); Nước mắt của mẹ (tác giả Toàn Thắng, đạo diễn NSND Lê Hùng); Dế mèn phiêu lưu ký (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng); Cuộc chiến Covid (tác giả Minh Nguyệt, đạo diễn NSND Lê Hùng) và hiện đang tập vở Vang bóng một thời (tác giả Nguyễn Hiếu, đạo diễn NSƯT Bùi Như Lai).

Chỉ cần nhìn vào lực lượng tác giả, đạo diễn và nghệ sĩ tên tuổi tham gia trong các vở diễn trên đã đủ thấy một cách “chơi” nghệ thuật nghiêm túc, thậm chí là “chơi lớn” khi có nhiều tác phẩm văn học đỉnh cao của Việt Nam và thế giới… Lịch tập vở của Sân khấu Lệ Ngọc kín từ ngày 8.2 đến hiện tại, lịch diễn cũng đã lên xong kế hoạch từ 21-25.2 sẽ diễn 5 đêm tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) ba vở: Vụ án người đốt đền, Làm vua, Nước mắt của mẹ, sau đó sẽ lưu diễn tại TP.HCM từ 13-23.3. Tối 1.3 sẽ ra mắt vở Vang bóng một thời tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Với 6 suất diễn ở Nhà hát Lớn vào thời điểm này thì quả là không có sân khấu xã hội hoá hay công lập nào dám “chơi sang” như Lệ Ngọc. Nhưng nhìn vào hàng loạt những đợt tổ chức biểu diễn của Sân khấu này như vở Chí Phèo Thị Nở liên tục 200 suất, Tấm Cám cả tháng trời tại Hà Nội và TP.HCM sẽ thấy vì sao Lê Ngọc tự tin khi tổ chức biểu diễn ngay giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành.

Sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc : Hiện tượng

NSND Lệ Ngọc

Đu tư cho xng tm mt tác phm

Sân khấu Lệ Ngọc khiến giới nghề phải nể phục bởi nhiều điều, trước tiên đó là đơn vị này đã trở thành một thương hiệu nghệ thuật sáng giá với những tác phẩm thực sự có chất lượng. Không chỉ ghi dấu ấn bằng những vở diễn dài hơi, có doanh thu mà Lệ Ngọc còn “ẵm” về hàng loạt những giải thưởng danh giá như: Tình bạn và công lý đoạt giải Vàng tại Liên hoan sân khấu Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân 2020; Làm vua - giải Vàng Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021; Cuộc chiến Covid - giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Phòng, chống dịch bệnh Covid-19” của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam; Quan Âm Diệu Thiện - giải Vàng Liên hoan sân khấu Trung Quốc - Asean lần thứ 8…

Lâu nay, nhiều sân khấu xã hội hóa thường chạy theo xu hướng “ăn xổi”, ngại đầu tư lớn cho những tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là những vở kịch kinh điển của thế giới, kịch lịch sử hay tác phẩm văn học... Sân khấu Lệ Ngọc đã xóa đi quan niệm này khi khai thác những tác phẩm kinh điển hoặc đặt hàng những tác giả và ê kíp sáng tạo sáng giá nhất. Có thể kể đến Vang bóng một thời (dựa theo truyện ngắn của Nguyễn Tuân) đang lên sàn tập, là một tác phẩm khó dựng và cũng có phần kén khách, vậy mà bà bầu NSND Lệ Ngọc đã “cày cục” nhờ tới 4 nhà biên kịch chuyển thể để dựng. Bà còn gây sốc khi tuyên bố “dựng Nguyễn Tuân” là để hướng tới khán giả trẻ, kéo những người trước nay thờ ơ với văn hóa truyền thống đến rạp.

Sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc : Hiện tượng

Khán giả đến với Sân khấu Lệ Ngọc thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau

Trong giới sân khấu, NSND Lệ Ngọc có tiếng là người chơi sang. Phục trang làm vở của bà không hề lặp lại. Gần đây, Sân khấu Lệ Ngọc còn nhờ NTK Sỹ Hoàng làm đồ diễn riêng. Sự chơi này khiến nhiều người trong giới phải “lè lưỡi lắc đầu”. Mọi người đồn nhau, Lệ Ngọc có thể chơi lớn như vậy là bởi bà có chỗ dựa rất vững. Hỏi thì bà cười bảo đúng, chỗ dựa ấy gắn với bà từ năm 16 tuổi đến giờ: Nghệ sĩ Văn Hải, cũng là người trong giới đồng thời là một doanh nhân lớn. Hai người gắn bó với nhau vì tình yêu sân khấu. Nhưng ở thời điểm sân khấu Việt thăng trầm, cuộc sống khó khăn, nghệ sĩ Văn Hải phải “dứt áo” về lo kinh tế cho gia đình và “nuôi” giấc mơ nghề nghiệp của vợ. Vài năm trở lại đây, ông quay trở lại “thánh đường” nghệ thuật, vợ chồng họ một lần nữa “song kiếm hợp bích” và mang về cả bộ sưu tập huy chương cho Sân khấu Lệ Ngọc. Mới đây, tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021, cả NSND Lệ Ngọc và Văn Hải đều được trao HCV cho vai diễn của mình.

Điều đáng ghi nhận là Sân khấu Lệ Ngọc đã trở thành một sân chơi không chỉ của những nghệ sĩ nổi tiếng mà còn là bệ phóng cho nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng yêu nghề thỏa mãn đam mê, từng bước khẳng định mình tại các cuộc liên hoan, cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp. Ví dụ như đạo diễn Quang Tú giành HCV với vở Tình bạn và công lý; Lâm Cương giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan Sân khấu quốc tế Trung Quốc 2017, HCB trong Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021; Anh Tuấn HCV tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021; Anh Đào HCB tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2019, HCB Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2021; Huy Hoàng giải Nam diễn viên xuất sắc tuần lễ Asian Trung Quốc tại Nam Ninh 2019 và HCB Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021...

Quan niệm làm sân khấu của NSND Lệ Ngọc rất đơn giản: “Sân khấu phải mang đến cho khán giả những điều khán giả cần và nghệ sĩ phải lấy khán giả là trung tâm”. Chính vì vậy mà Sân khấu của bà luôn đau đáu với các nhận xét của khán giả xem họ nghĩ gì, nhận xét, phản hồi như thế nào sau mỗi vở diễn. Diễn viên phải biết cách chào đón khán giả trước giờ mở màn, tương tác tốt với khán giả trong khi biểu diễn và khi cánh màn nhung khép lại, thân thiện chụp hình với công chúng với góc “check in” từ poster giới thiệu vở.

Có thể coi sự xuất hiện của Sân khấu Lệ Ngọc là một hiện tượng tích cực trong đời sống sân khấu tại Việt Nam. Đơn vị đã đưa ra được một mô hình sân khấu năng động khi chủ động đa dạng hóa chương trình kịch mục của mình để phục vụ mọi tầng lớp khán giả bằng việc mở rộng cửa chào đón nhiều đối tượng nghệ sĩ sáng tạo, diễn viên ở nhiều lứa tuổi, trình độ, kiến thức, kinh nghiệm và các loại hình sân khấu khác nhau... Khi nền nghệ thuật biểu diễn nước nhà đang gặp khó khăn, không chỉ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà còn ở trong cơ chế hoạt động, thì Sân khấu Lệ Ngọc đã tìm ra cách đi riêng để khẳng định thương hiệu, kịp thời ứng biến với thực tế cuộc sống để tạo nên thành công riêng cho mình. 

THÚY HIN

Ý kiến bạn đọc